1. Thế nào là xuất tinh sớm
Theo định nghĩa của Hội Y học Giới tính Quốc tế (ISSM – International Society for Sexual Medicine) năm 2013 [1,3]
Xuất tinh sớm là tình trạng rối loạn xuất tinh của nam giới với các đặc trưng như sau:
- Luôn luôn hoặc gần như luôn luôn xuất tinh sớm hơn hoặc trong vòng 1 phút kể từ khi đưa dương vật vào âm đạo (nguyên phát), hay thời gian xuất tinh ngắn gây phiền toái, có ý nghĩa lâm sàng, khoảng 3 phút hay ít hơn (thứ phát), và:
- Không có hoặc gần như không có khả năng kiểm soát xuất tinh, và:
- Gây ảnh hưởng tiêu cực như: lo lắng, căng thẳng, chán nản và né tránh quan hệ tình dục.
Những lưu ý:
- Thời gian bị rối loạn trên 6 tháng.
- Không có rối loạn tâm lý, bệnh toàn thân và nhiễm trùng niệu.
- Yếu tố hoàn cảnh ổn định.
- Không áp dụng cho quan hệ đồng tính.
2. Tỷ lệ mắc xuất tinh sớm trong cộng đồng
– Khảo sát tại châu Á – Thái Bình Dương tháng 3 – 4/2009: tần suất xuất tinh sớm khoảng 20%[1].
– Theo nghiên cứu của Waldinger và cộng sự (2005)[6]: thời gian xuất tinh trung bình: 5,4 phút. 90% số nam giới xuất tinh sớm nguyên phát có thời gian xuất tinh trong vòng 60 giây.
– Tần suất xuất tinh sớm ở nam giới khoảng 20 – 30%. Tỷ lệ cao nhất từ 18 – 59 tuổi: 31%[5].
3. Phân loại xuất tinh sớm
Xuất tinh sớm được phân 2 loại: nguyên phát và thứ phát[1,3].
- Nguyên phát: Xuất tinh sớm xuất hiện ngay từ khi lần đầu tiên quan hệ tình dục và thường xuyên hay gần như luôn luôn xảy ra khi quan hệ tình dục. Thời gian xuất tinh khoảng 1 phút.
- Thứ phát: Xuất tinh sớm thứ phát xuất hiện từ từ hoặc đột ngột ở nam giới đang có cuộc sống quan hệ tình dục bình thường. Thường thời gian xuất tinh không quá ngắn như xuất tinh sớm nguyên phát.
4. Ảnh hưởng của xuất tinh sớm đến chất lượng cuộc sống
– Khoảng 50% nam giới xuất tinh sớm không hài lòng với đời sống tình dục của mình, ít thỏa mãn khi quan hệ tình dục và tần suất quan hệ tình dục cũng ít hơn[1].
– Khoảng 50% nam giới xuất tinh sớm mất tự tin khi quan hệ tình dục, dẫn đến căng thẳng, lo lắng, có thể gây ra trầm cảm[4].
– Đối với nữ giới sự hài lòng giảm khi nam giới bị xuất tinh sớm (khoảng 80%).
5. Làm thế nào để phát hiện xuất tinh sớm
Để chẩn đoán xuất tinh sớm trước tiên các bác sĩ nam khoa sẽ làm rõ một số vấn đề sau:
- Thời gian xuất tinh? Thời gian xuất tinh (IELT – Intravaginal Ejaculation Latency Time) là thời gian tính từ lúc đưa dương vật vào âm đạo cho tới khi xuất tinh.
- Phân biệt xuất tinh sớm nguyên phát hay thứ phát.
- Đánh giá có rối loạn cương kèm theo không?
- Đánh giá sự ảnh hưởng lên mối quan hệ lứa đôi.
- Đánh giá ảnh hưởng lên chất lượng cuộc sống.
- Hỏi các bệnh lý kèm theo hoặc thuốc đã và đang sử dụng.
Chẩn đoán xác định dựa vào: thời gian xuất tinh và bảng PEDT (Premature Ejaculation Diagnostic tool – Công cụ chẩn đoán xuất tinh sớm)[1,3].
– Bảng câu hỏi PEDT (Bảng 1)
– Đánh giá kết quả : Điểm PEDT được tính bằng cách cộng điểm tất cả 5 câu hỏi
- Tổng điểm ≤ 8 : không bị xuất tinh sớm
- Tổng điểm = 9 hoặc 10: có thể đang bị xuất tinh sớm
- Tổng điểm ≥ 11 điểm: chắc chắn bị xuất tinh sớm
Ngoài sử dụng bác sĩ sẽ thăm khám thêm các cơ quan khác để đánh giá yếu tố nguy cơ và căn nguyên gây bệnh như
- Khám thực thể: bộ phận sinh dục và tuyến tiền liệt: cong dương vật, viêm nhiễm, …
- Khám toàn thân: bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa, bệnh tâm – thần kinh, …
- Trong một số trường hợp, có thể yêu cầu bệnh nhân đến khám sức khỏe tâm thần
Các xét nghiệm cận lâm sàng ít giá trị cho chẩn đoán xuất tinh sớm[3]. Một số xét nghiệm được dùng trong chẩn đoán xuất tinh sớm bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu để loại trừ nhiễm khuẩn đường tiết niệu
- Nếu có cả xuất tinh sớm và rối loạn cương, có thể xét nghiệm để đánh giá nội tiết tố (testosterone, prolactin,…) và các xét nghiệm khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Althof SE, McMahon ChG, Waldinger M D.et al, An Update of the International Society of Sexual Medicine’s. Guidelines for the Diagnosis and Treatment of Premature Ejaculation (PE). Sexual Medicine published by Wiley Periodicals, Inc. 2014.
2. Althof S. Treatment of rapid ejaculation: Psychotherapy, pharmacotherapy, and combined therapy. In: Leiblum S, ed. Principles and practice of sex therapy. 4th
edition. New York: Guilford Press; 2007:212–40.
3. K. Hatzimouratidis , I. Eardley, F. Giuliano, I. Moncada, A. Salonia. Guidelines on Male
Sexual Dysfunction: Erectile dysfunction and premature ejaculation. European association of Urology. 2015.
4. McMahon Ch, Kim SW, Park NCh et al. Treatment of Premature Ejaculation in the Asia-Pacific Region: Results from a Phase III Double-blind, Parallel-group Study of Dapoxetine. J Sex Med 2010;7:256–268
5. McMahon et al. J Sex Med. 2012;9:45145-465.
6. Waldinger M. Premature ejaculation: Different pathophysiologies and etiologies determine its treatment. J Sex Marital Ther 2008;34:1–13.
Từ Thành Trí Dũng – Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM