Các phương pháp điều trị xuất tinh sớm

Xuất tinh sớm là vấn đề sức khỏe giới tính gặp khá nhiều ở nam giới hiện nay. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra và tác động tiêu cực đến tâm lý và cuộc sống của người bệnh. Hiện nay các phương pháp điều trị xuất tinh sớm được các chuyên gia lựa chọn tập trung vào nhóm điều trị nội khoa hơn là phẫu thuật.

1. Các phương pháp không dùng thuốc

1.1. Liệu pháp hành vi

– Phương pháp “dừng – bắt đầu”:

Bạn tình kích thích dương vật đến khi người nam cảm thấy muốn xuất tinh. Lúc đó, người nam sẽ ra hiệu cho bạn tình dừng lại, đợi cho cảm giác muốn xuất tinh vượt qua, sau đó bắt đầu lại.

– Kỹ thuật “bấm quy đầu”:

Tương tự, nhưng bạn tình sẽ bấm mạnh vào quy đầu (để vừa có cảm giác đau) ngay trước khi xuất tinh cho đến khi người nam mất cảm giác muốn xuất tinh.

Cả hai thủ thuật này thường áp dụng trong một chu kỳ ba lần, dừng trước khi sắp xuất tinh.

– Thủ dâm trước khi quan hệ tình dục:

Phương pháp này có thể áp dụng đối những người trẻ tuổi. Sau thủ dâm, dương vật sẽ giảm sự nhạy cảm dẫn đến chậm xuất tinh hơn trong lần quan hệ thực sự tiếp theo.

1.2. Liệu pháp tâm lý

– Các yếu tố tâm lý liên quan đến xuất tinh sớm cần được giải quyết trong điều trị.

– Liệu pháp hành vi – tâm lý có thể có hiệu quả nhất khi được sử dụng hỗ trợ cho điều trị thuốc[3].

2. Các thuốc điều trị xuất tinh sớm

2.1. Dapoxetine

Dapoxetine là thuốc duy nhất và đầu tiên được Hội Niệu khoa châu Âu chấp thuận cho điều trị xuất tinh sớm[3].

Dapoxetine thuộc nhóm ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc tác dụng nhanh.

Dapoxetine được hấp thu nhanh, đạt nồng độ đỉnh 72 phút sau uống và bài tiết nhanh chóng. Nồng độ của dapoxetine trong huyết tương sau 24 giờ < 5% so với nồng độ đỉnh[4]. Liều khuyến cáo là 30 mg, sử dụng trước khi giao hợp 1 – 3 giờ. Có thể tăng liều đến 60 mg. Nên uống với 1 ly nước đầy. Tác dụng phụ thường gặp gồm: buồn nôn, chóng mặt, tiêu chảy và nhức đầu. Tuy nhiên, hiếm bệnh nhân phải ngưng thuốc do các tác dụng phụ. Hạ huyết áp tư thế là tác dụng phụ nặng nhất của thuốc tuy nhiên hiếm gặp.

Dapoxetine khi dùng chung với một thuốc nhóm ức chế PDE5 cho thấy dung nạp tốt, an toàn.

2.2. Nhóm thuốc chống trầm cảm chưa được chấp thuận chính thức

Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) và clomipramine sử dụng để điều trị các rối loạn tâm thần, nhưng lại có tác dụng làm chậm xuất tinh và do đó được sử dụng rộng rãi như là các thuốc ngoài danh mục chưa được phê duyệt để điều trị xuất tinh sớm[3]. Các thuốc SSRI phải được dùng trong 1 – 2 tuần để có hiệu quả điều trị xuất tinh sớm. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng clomipramine, paroxetine, sertraline, fluoxetine 3 – 6 giờ trước khi giao hợp được cho là có hiệu quả nhất nhưng lại không hiệu quả bằng uống hằng ngày. Các tác dụng phụ có thể gặp của nhóm thuốc này là: mệt mỏi, gây ngáp, buồn nôn, nôn, khô miệng, tiêu chảy, đổ mồ hôi. Ngoài ra, cũng ghi nhận thuốc có thể gây giảm ham muốn tình dục, không đạt cực khoái và rối loạn cương. Khi điều trị với các thuốc này, cần lưu ý khả năng tái phát sau khi ngừng thuốc.

2.3. Thuốc gây tê tại chỗ

Một số loại thuốc gây tê tại chỗ làm giảm cảm giác của vùng quy đầu dẫn đến chậm xuất tinh bao gồm: kem lidocain 2,5%, kem emla hoặc prilocain 2,5% dùng 20 – 30 phút trước khi giao hợp[3]. Chú ý sử dụng kem bôi lâu dài có thể gây mất khả năng cương do mất cảm giác dương vật. Nên sử dụng bao cao su để tránh khuếch tán thuốc vào âm đạo.

2.4 Tramadol

Tramadol có tác dụng làm chậm sự xuất tinh. Tramadol là thuốc giảm đau tác động trung ương, thuốc kết hợp kích hoạt opioid thụ thể và ức chế tái hấp thu của serotonin và noradrenalin. Tác dụng làm chậm xuất tinh của thuốc có thể được giải thích bằng khả năng kích hoạt thụ thể CNS μ-opioid và não tăng 5-HT ở não bộ. Tuy nhiên, hiệu quả và khả năng dung nạp của tramadol cần phải được chứng minh qua số lượng lớn bệnh nhân hơn và thời gian dài hơn. Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ cảnh báo về nguy cơ gây nghiện và gây khó thở của tramadol[3].

2.5. Thuốc nhóm ức chế phosphodiesterase type 5

Một số nghiên cứu cho thấy chỉ có sildenafil có hiệu quả trong điều trị[2]. Mặc dù, có thể thời gian giao hợp chưa được cải thiện đáng kể nhưng sildenafil làm tăng sự tự tin, tăng khả năng kiểm soát xuất tinh và thỏa mãn tình dục, giảm lo lắng và giảm thời gian phục hồi để dương vật có thể cương cứng tiếp sau khi xuất tinh. Một số nghiên cứu cho thấy ildenafil kết hợp với một SSRI tốt hơn SSRI đơn trị liệu. Sildenafil kết hợp với liệu pháp hành vi cải thiện đáng kể thời gian giao hợp và sự hài lòng so với liệu pháp hành vi một mình.

Có rất ít dữ liệu về hiệu quả của các thuốc nhóm ức chế PDE5 khác (tadalafil và vardenafil). Vai trò của thuốc ức chế PDE5 ở bệnh nhân xuất tinh sớm không kèm rối loạn cương chưa rõ[3].

3. Phẫu thuật

Phẫu thuật (cắt da quy đầu, cắt dây thần kinh lưng dương vật…) không được khuyến cáo trong điều trị xuất tinh sớm (theo Hội Y học Giới tính Quốc tế)[1].

4. Theo dõi

Theo dõi bệnh nhân trong quá trình điều trị đóng vai trò quan trọng nhằm đánh giá hiệu quả và độ an toàn của điều trị cũng như xem xét sự hài lòng của bệnh nhân và bạn tình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Althof SE, McMahon ChG, Waldinger M D.et al, An Update of the International Society of Sexual Medicine’s. Guidelines for the Diagnosis and Treatment of Premature Ejaculation (PE). Sexual Medicine published by Wiley Periodicals, Inc. 2014.
2. Althof S. Treatment of rapid ejaculation: Psychotherapy, pharmacotherapy, and combined therapy. In: Leiblum S, ed. Principles and practice of sex therapy. 4th edition. New York: Guilford Press; 2007:212–40.
3. K. Hatzimouratidis , I. Eardley, F. Giuliano, I. Moncada, A. Salonia. Guidelines on Male Sexual Dysfunction: Erectile dysfunction and premature ejaculation. European association of Urology. 2015.
4. McMahon Ch, Kim SW, Park NCh et al. Treatment of Premature Ejaculation in the Asia-Pacific Region: Results from a Phase III Double-blind, Parallel-group Study of Dapoxetine. J Sex Med 2010;7:256–268
5. McMahon et al. J Sex Med. 2012;9:45145-465.
6. Waldinger M. Premature ejaculation: Different pathophysiologies and etiologies determine its treatment. J Sex Marital Ther 2008;34:1–13

TS. Từ Thành Trí Dũng 

Hội viên Hội Y học giới tính Việt nam

Trưởng khoa Tiết niệu – Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh

Tạp chí Y học sinh sản – Hội nội tiết sinh sản và vô sinh Tp HCM (tập 48)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *