Bệnh nhiễm trùng HPV sinh dục

Nhiễm trùng HPV sinh dục là bệnh lây qua đường tình dục phổ biến nhất hiện nay. Bệnh có thể gây ra nhiều vấn đề cho sức khỏe trong đó có ung thư cổ tử cung. Bệnh có thể phòng tránh được nhờ tiêm vắc xin phòng bệnh.

Virus HPV là gì? Bệnh HPV là gì?

Là một loại vi rút gây u nhú ở người tên đầy đủ là human papillomavirus gọi tắt là HPV.

Hình ảnh virus HPV

Có hơn 100 chủng vi rút HPV. Hầu hết các chủng đều vô hại, không có dấu hiệu hoặc triệu chứng và sẽ tự khỏi.

Có hơn 40 chủng vi rút HPV lây truyền qua đường tình dục có ảnh hưởng đến các bộ phận sinh dục và hậu môn. Một số chủng có nguy cơ thấp có thể gây ra mụn cóc sinh dục và mụn cóc ở bàn chân (mụn cóc dưới lòng bàn chân). Có 15 chủng HPV có nguy cơ cao (chẳng hạn như chủng 16 và chủng 18) chúng có thể gây tổn thương tiền ung thư, ung thư tử cung cũng như ung thư hậu môn và ung thư bộ phận sinh dục khác.

Bệnh nhiễm trùng HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Rất có thể bạn sẽ bị mắc vi rút HPV trong cuộc đời của bạn mà không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Trên thực tế, nếu may mắn bạn có thể sẽ không có vấn đề gì với tất cả các vi rút HPV. Nhưng bạn cần biết một số chủng của vi rút HPV được coi là “nguy cơ thấp” và có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục và hậu môn. Ở những chủng khác được coi là “nguy cơ cao” và có thể gây ra tổn thương tiền ung thư cổ tử cung, hậu môn và các bộ phận sinh dục khác.

HPV lây truyền qua đường nào?

Các vi rút HPV có thể lây truyền cho bất cứ ai đã từng quan hệ tình dục.

HPV lây truyền qua đường nào?

  • Lây truyền qua tiếp xúc da với da, tiếp xúc với dương vật, tử cung, âm đạo, hậu môn của những người bị nhiễm.
  • Hôn hay chạm vào bộ phận sinh dục của đối tác bằng miệng cũng có thể truyền vi rút HPV.
  • Một người có khả năng bị lây nhiễm hơn một loại vi rút HPV.
  • HPV cũng có thể được truyền từ mẹ sang con trong thời gian mang thai, nhưng điều đó thì hiếm xảy ra.
  • Bạn không thể nhiễm HPV qua ôm, bắt tay hoặc là ăn chung hoặc dùng chung bát đĩa.
  • Sử dụng bao cao su là bảo vệ tốt nhất cho các bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục. Thực tế bao cao su không thể che hết toàn bộ bề mặt da xung quang bộ phận sinh dục và hậu môn, do đó không bảo vệ hoàn toàn khỏi HPV.

Đối tượng nguy cơ dễ nhiễm HPV

  • Người bị HIV/AIDS: HPV không liên quan đến HIV. Tuy nhiên, với những người có HIV đã làm giảm hệ thống miễn dịch và có khả năng bị nhiễm vi trùng khác, bao gồm cả một hay nhiều chủng HPV.
  • Hoat động tình dục mà không sử dụng bao cao su hoặc sử dụng bao cao su không đúng cách
  • Người hoạt động tình dục với nhiều bạn tình khác nhau
  • Quan hệ tình dục trong trạng thái say chất cồn. Điều này được lý giải rằng những người ở trạng thái không tỉnh táo thường không sử dụng phương pháp bảo hộ trong khi quan hệ tình dục hoặc sử dụng không đúng cách.

Virus HPV gây ra những vấn đề sức khỏe nào?

Một số bệnh do virus HPV gây ra
Một số bệnh do virus HPV gây ra

Trong phần lớn trường hợp, HPV sẽ tự khỏi và không gây ra bất cứ vấn đề nào về sức khỏe. Khi HPV không khỏi thì nó có thể gây ra những vấn đề về sức khỏe như mụn cóc sinh dục và ung thư.

Mụn cóc sinh dục là những sẩn sùi, mềm, màu hồng,  kích thước từ 1mm đến vài cm, da trên bề mặt mỏng ẩm ướt, không đau, hơi ngứa, đụng vào dễ chảy máu. Số lượng từ một vài đến nhiều tổn thương xảy ra cùng một lúc.

HPV có gây ung thư không?

HPV có thể gây bệnh ung thư cổ tử cung và những loại ung thư khác bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật, hay hậu môn. HPV cũng có thể gây ung thư ở phía sau họng, bao gồm dưới lưỡi và amidan (gọi là ung thư miệng họng.

Bệnh ung thư thường xảy ra hàng năm, kể cả hàng chục năm, sau khi bị HPV. Các loại HPV có thể gây mụn sinh dục không giống như loại HPV có thể gây ung thư.

Không có cách nào để biết người nhiễm HPV nào sẽ bị ung thư hoặc gặp phải những vấn đề về sức khỏe khác. Người có hệ miễn dịch yếu (bao gồm cả những người bị HIV/AIDS) có thể ít có khả năng tự khỏi bệnh HPV. Và họ có thể gặp phải cả những vấn đề về sức khỏe khác do ảnh hưởng của HPV.

Làm thế nào tránh được HPV và những vấn đề sức khỏe mà bệnh này gây ra?

Bạn có thể thực hiện một số điều để giảm nguy cơ bị nhiễm HPV.

  • Tiêm vắc-xin. Vắc-xin HPV này rất an toàn và hữu hiệu. Nó có thể phòng bệnh (bao gồm ung thư) do HPV gây ra khi được sử dụng ở những nhóm tuổi được khuyến cáo. (Xem mục “Ai nên được tiêm vắc-xin?” dưới đây) CDC đề xuất lứa tuổi 11 – 12 nên tiêm hai liều vắc-xin HPV để phòng bệnh ung thư do HPV gây ra.
  • Tầm soát ung thư cổ tử cung. Tầm soát định kỳ ung thư cổ tử cung cho nữ giới từ 21 đến 65 tuổi có thể ngăn ngừa bệnh.
  • Nếu bạn có quan hệ tình dục
    • Dùng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục. Điều này có thể giảm nguy cơ bị HPV. Nhưng HPV có thể gây nhiễm trùng ở những chỗ bao cao su không che được — do đó có thể không phòng được HPV một cách triệt để;
    • Nên duy trì mối quan hệ một vợ một chồng từ hai phía – nghĩa là chỉ quan hệ tình dục với người chỉ quan hệ tình dục với bạn.

Ai nên được tiêm vắc-xin?

Nam nữ 11 – 12 tuổi đều nên được tiêm vắc-xin.

Nên tiêm vắc-xin cho nam giới đến 21 tuổi, nữ giới đến 26 tuổi nếu họ chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ khi còn nhỏ.

Cũng cần tiêm vắc-xin cho người đồng tính nam và lưỡng tính (hoặc bất cứ nam giới nào có quan hệ tình dục với người cùng giới) cho đến 26 tuổi. Ngoài ra, tiêm vắc-xin cho nam giới và nữ giới bị suy giảm miễn dịch (bao gồm cả người bị HIV/AIDS) cho đến 26 tuổi cũng là rất cần thiết nếu họ chưa được tiêm vắc-xin đầy đủ khi còn nhỏ.

Làm sao biết mình có bị HPV hay không?

Không có xét nghiệm nào biết được “tình trạng HPV” ở người. Và cũng không có xét nghiệm HPV được chấp thuận nào tìm được HPV ở miệng hoặc họng.

Chỉ có các xét nghiệm HPV dùng để tầm soát ung thư cổ tử cung. Chỉ nên làm những xét nghiệm này để tầm soát cho nữ giới từ 30 tuổi trở lên. Không nên xét nghiệm HPV để tầm soát cho nam giới, người vị thành niên hoặc nữ giới dưới 30 tuổi.

Phần lớn những người bị HPV không biết họ bị bệnh này và chưa có những triệu chứng hay vấn đề sức khỏe nào từ đó. Một số người phát hiện họ nhiễm HPV khi bị mụn sinh dục. Nữ giới có thể biết được mình bị nhiễm HPV khi có kết quả xét nghiệm Pap bất thường (trong quá trình khám thăm dò ung thư cổ tử cung). Trong khi đó, những người khác chỉ biết được sau khi gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn từ HPV, ví dụ như ung thư.

HPV và những vấn đề do HPV gây ra phổ biến như thế nào?

HPV (siêu vi): Có khoảng 79 triệu người Mỹ hiện đang bị nhiễm HPV. Khoảng 14 triệu người mới bị nhiễm mỗi năm. HPV phổ biến đến nỗi hầu hết những người có quan hệ tình dục đều sẽ bị nhiễm HPV tại thời điểm nào đó trong đời nếu không tiêm vắc-xin HPV.

Những vấn đề sức khỏe có liên quan đến HPV gồm mụn sinh dục và ung thư cổ tử cung.

Mụn sinh dục: Trước khi có vắc-xin HPV, có khoảng từ 340.000 đến 360.000 nữ giới và nam giới bị mụn sinh dục do ảnh hưởng của HPV mỗi năm. Ngoài ra, cũng có khoảng 100 người trưởng thành có quan hệ tình dục tại Mỹ bị mụn sinh dục ở bất kỳ thời điểm nhất định nào.

Ung thư cổ tử cung: Mỗi năm, gần 12.000 phụ nữ sống tại Mỹ bị chẩn đoán ung thư cổ tử cung, và có trên 4.000 phụ nữ tử vong do ung thư cổ tử cung – ngay cả khi đã được tầm soát và điều trị.

Cũng có những loại bệnh trạng và ung thư khác do HPV gây ra ở những người sống tại Hoa Kỳ. Hàng năm, khoảng 19.400 phụ nữ và 12.100 nam giới bị ảnh hưởng bởi các loại ung thư do HPV gây ra.

Tôi đang mang thai. HPV có ảnh hưởng đến thai kỳ của tôi không?

Nếu có thai và bị nhiễm HPV thì bạn có thể bị mụn sinh dục hay những thay đổi tế bào bất thường trong tử cung. Có thể tìm thấy những thay đổi tế bào bất thường khi tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ. Bạn nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ ngay cả khi đang mang thai.

Tôi có thể được chữa trị HPV hay những vấn đề sức khỏe do HPV gây ra không?

Chưa có liệu pháp điều trị nào đặc hiệu dành cho loại virut này. Tuy nhiên, vẫn có thể chữa trị được các vấn đề về sức khỏe mà HPV có thể gây ra:

  1. Mụn sinh dục có thể được chữa trị bằng thuốc kê đơn. Nếu không chữa trị, mụn sinh dục có thể biến mất, hoặc vẫn còn, hoặc lớn thêm và nhiều hơn.
  2. Có thể chữa trị các vấn đề tiền ung thư cổ tử cung. Nữ giới đi xét nghiệm Pap định kỳ và theo dõi khi cần thiết có thể biết được vấn đề trước khi bị ung thư. Phòng bệnh vẫn tốt hơn chữa bệnh.
  3. Những bệnh ung thư liên quan đến HPV khác cũng có thể dễ được điều trị hơn nếu được chẩn đoán và điều trị sớm. 

Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC)- Hoa Kỳ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *