7 điều “tốt nhất” nên làm trong mùa thu để chăm sóc sức khỏe

Thu sang trời cao khí mát, thời tiết khô hanh. Lúc này, dưỡng sinh nên tuân theo nguyên tắc “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”. Thiên nhân hợp nhất là gốc rễ của đạo dưỡng sinh. Dựa theo sự thay đổi của thời tiết để sinh hoạt cho phù hợp giúp bảo tồn nguyên khí gia tăng sinh lực.

Dưỡng sinh tinh thần

Mùa thu dưỡng sinh tinh thần nên “làm cho tinh thần an tĩnh, nhẹ nhàng với khí thu, thu liễm thần khí, giữ cho khí thu hài hòa, không để tâm trí bị xao lãng, giữ cho phế khí trong sạch”. Tức là giữ một tâm thái bình thường để đối diện với sự thay đổi của tự nhiên.

Mùa thu cỏ úa lá rụng, dễ khiến người ta cảm thấy buồn bã. Do đó, mùa thu thường là mùa dễ xuất hiện trạng thái trầm cảm. Trong ngũ hành mùa thu cũng chủ buồn. Chúng ta không nên bị ảnh hưởng bởi sự tiêu điều của thiên nhiên, mà cần điều chỉnh cảm xúc để giữ cho phế khí được thanh lọc, phù hợp với đặc tính thu liễm của mùa thu. Có thể đi dạo ngoài trời ngắm cảnh mùa thu, hoặc rèn luyện khí công để thu liễm tâm thần; hoặc tắm nắng nhiều hơn để xua tan tâm trạng u ám.

Dưỡng sinh sinh hoạt

Trong “Nội Kinh – Tố Vấn – Tứ khí điều thần đại luận” có nói: “Ba tháng mùa thu, ngủ sớm dậy sớm, cùng thức dậy với gà”. Mùa thu nên ngủ sớm dậy sớm. Ngủ sớm để tuân theo sự tích tụ của âm tinh, dậy sớm để phù hợp với sự khai mở của dương khí. Tốt nhất là ngủ lúc 9 giờ tối và dậy vào khoảng 5-6 giờ sáng để tuân theo quy luật “thu dưỡng”.

Dưỡng sinh vận động

Mùa thu là thời điểm thiên nhiên đang trong giai đoạn thu liễm, âm tinh dương khí cần được thu liễm và nuôi dưỡng bên trong, đây là thời điểm tốt để dưỡng sinh qua vận động.

Người cao tuổi có thể lựa chọn các môn tập như Ngũ cầm hí, Thái cực quyền, Lục tự quyết, Bát đoạn cẩm để điều hòa hơi thở và dưỡng thần.

Người trung niên và thanh niên có thể chạy bộ, chơi bóng, leo núi, bơi lội, giúp kích thích âm dương khí huyết trong cơ thể.

Để đạt được hiệu quả luyện tập tốt, cần chú ý “hoạt động nhưng không kiệt sức”, tập luyện từ từ, phù hợp với sức mình, và lượng vận động nên vừa phải, ra chút mồ hôi là thích hợp.

Dưỡng sinh qua ăn uống.

Mùa thu nên ăn nhiều thực phẩm dưỡng âm, làm ẩm, như mộc nhĩ trắng, mía, lê, ngó sen, rau chân vịt, gà ác, sữa đậu nành, trứng vịt, mật ong, v.v.

“Giảm cay, tăng chua”, có thể ăn nhiều thực phẩm vị chua như táo, lựu, nho, bưởi, chanh, sơn tra, v.v.; hạn chế ăn các thực phẩm vị cay như hành, gừng, tỏi, ớt để bổ khí gan, thu khí phổi.

Rau tốt nhất – ngó sen.

“Cây sen là báu vật, ngó sen mùa thu là bổ nhất”. Vào mùa thu, ngó sen tươi bắt đầu được bán nhiều. Thời tiết khô hanh, ăn ngó sen có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, làm dịu cơn khát, làm dịu tâm và an thần. Ngoài ra, ngó sen tính ôn, có khả năng thu liễm mạch máu, ăn nhiều có thể bổ phổi và dưỡng huyết. Ngó sen tươi không chỉ chứa nhiều carbohydrate, mà còn chứa lượng lớn protein thực vật, các loại vitamin và khoáng chất, cùng với chất xơ phong phú, giúp giảm tình trạng táo bón. Khi ăn ngó sen, kết hợp với mộc nhĩ trắng có thể bổ phổi dưỡng âm, kết hợp với mộc nhĩ đen có thể bổ thận dưỡng âm.

Trái cây tốt nhất – lê.

Mùa thu không khí khô hanh, lượng nước ít. Lê mùa thu tươi ngon, nhiều nước, chứa tới 85% nước, vị chua ngọt dễ ăn, giàu vitamin và các nguyên tố vi lượng như canxi, phốt pho, sắt, i-ốt, v.v., được coi là “nước khoáng thiên nhiên”, từ xưa đã được tôn vinh là “vua của các loại quả”. Nếu mỗi ngày kiên trì ăn một lượng lê vừa đủ, có thể giúp giảm khô hanh mùa thu, sinh tân dịch và dưỡng phổi.

Cách ăn tốt nhất:

  • Ăn lê tươi có thể giúp làm giảm rõ rệt các triệu chứng khô, ngứa, đau họng, khản tiếng cũng như táo bón, tiểu đỏ ở những người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
  • Nấu hoặc hấp lê, chẳng hạn như lê hấp đường phèn, có thể dưỡng âm, nhuận phổi, giảm ho và làm tan đờm. Món này cũng có tác dụng phòng ngừa và điều trị bệnh gout, thấp khớp và viêm khớp, đồng thời có hiệu quả tốt hơn trong việc điều trị ho do phế nhiệt và đau họng.

Thịt tốt nhất – Thịt vịt.

Mùa thu là thời điểm vịt béo nhất, hơn nữa, vịt là thực phẩm có tính mát, có công dụng dưỡng âm, kiện tỳ vị, lợi tiểu, tiêu sưng, và phòng tránh khô hanh mùa thu.

Trong y học cổ truyền, vịt được coi là “thuốc” và là “thực phẩm bổ dưỡng thượng hạng”. Điều này là do thịt vịt có giá trị dinh dưỡng cao, hàm lượng chất béo vừa phải, khoảng 7,5%, cao hơn thịt gà nhưng thấp hơn thịt lợn. Uống canh vịt để bồi bổ, tốt nhất nên kết hợp với thể trạng của mỗi người và kết hợp với các loại thảo dược hoặc thực phẩm.

Những người có thể chất yếu, dễ mắc các bệnh đường hô hấp như ho, cảm lạnh, có thể thêm sơn dược, hạt sen, hoàng kỳ hoặc nhân sâm vào khi hầm canh vịt, liều lượng thường là 30-60 gram.

Phụ nữ dễ bị khô da vào mùa thu có thể thêm bách hợp, ngọc trúc để dưỡng nhan, chăm sóc da.

Gợi ý món canh vịt hầm rong biển: Dùng 500 gram vịt sạch, chặt thành miếng nhỏ, 150 gram rong biển sạch cắt thành miếng vuông. Đun sôi vịt và rong biển trong nước, sau đó vớt bỏ bọt, thêm hành lá băm nhỏ, gừng băm nhỏ, rượu nấu ăn, hoa hồi, hầm lửa nhỏ cho đến khi vịt mềm nhừ, cuối cùng thêm muối, hạt tiêu, bột ngọt để nêm gia vị là xong.

Đồ uống tốt nhất – Trà.

Trà dưỡng sinh củ cải: Loại trà này có thể thanh nhiệt phổi và hóa đờm ẩm, có thể thêm chút muối để tăng hương vị, giúp làm sạch phổi và tiêu viêm. Rửa sạch và thái lát 100 gram củ cải trắng, đun mềm, thêm chút muối để nêm. Sau đó, pha 5 gram trà trong 5 phút rồi đổ vào nước củ cải, uống mỗi ngày 2 lần.

Trà gừng tía tô: 3 gram gừng tươi, 3 gram lá tía tô, gừng thái sợi mỏng, rửa sạch lá tía tô, đun với nước sôi trong 10 phút để uống thay trà. Uống 2 lần mỗi ngày, sáng và chiều. Trà này có tác dụng giải cảm, tán phong hàn, lý khí và bổ dạ dày, phù hợp cho các trường hợp cảm lạnh do gió lạnh, đau đầu, sốt, hoặc các triệu chứng khó chịu ở dạ dày như buồn nôn, nôn, đau dạ dày và chướng bụng. Đây là phương pháp dùng dược liệu thay trà, đơn giản và tiện dụng.

Trà quất hồng: Dùng 3-6 gram quất hồng, 5 gram trà xanh, hãm với nước sôi, sau đó đun cách thủy trong 20 phút. Uống mỗi ngày 1 lần, có thể uống bất kỳ lúc nào, giúp nhuận phổi, tiêu đờm, điều hòa khí và giảm ho. Trà này phù hợp với các triệu chứng ho vào mùa thu có nhiều đờm, đờm đặc và khó chịu khi ho.

Thuốc tốt nhất – “Dưỡng ẩm”.

Nguyên tắc cơ bản của thuốc bổ mùa thu chủ yếu là dưỡng ẩm, kết hợp với bổ khí và huyết. Các dược liệu thường dùng gồm có nhân sâm Tây Dương, sơn dược, khiếm thực, mạch môn, bách hợp, v.v.

Nhân sâm Tây Dương còn gọi là Hoa Kỳ sâm, có tác dụng bổ khí dưỡng âm, dùng thường xuyên không gây nóng trong. Đặc biệt hiệu quả với những người thức khuya, bị hư hỏa.

Sơn dược có hai loại: sơn dược khô và sơn dược tươi, đều có tác dụng bổ tỳ ích thận, đặc biệt phù hợp cho phụ nữ.

Ngoài các loại thuốc trên, vào mùa thu có thể dùng một số thuốc Đông y như sinh mạch ẩm, v.v.

Trang phục tốt nhất – “Thu đông”.

“Bạch lộ không để lộ người, Hàn lộ không để lộ chân”, nghĩa là khi trời trở lạnh dần nên tăng cường quần áo, nhưng không mặc quá nhiều hoặc quá sớm. “Thu đông” có nghĩa là vào mùa thu, nên mặc áo ấm muộn hơn, tiếp xúc với khí lạnh nhiều hơn để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Thư giãn tốt nhất – Xoa bóp.

Xoa bóp giúp thư giãn cơ thể, và sau đây là một số huyệt vị nên được xoa bóp.

Huyệt thừa tương
Huyệt thừa tương

Thừa tương: Huyệt thừa tương nằm ở chỗ lõm dưới môi dưới. Dùng đầu ngón tay ấn mạnh và xoa bóp, sẽ làm tiết ra dịch nhờn trong miệng. Bệnh nhân tiểu đường có thể xoa bóp mạnh ở vị trí này khoảng mười lần, cảm giác khát sẽ biến mất.

Huyệt Thần môn
Huyệt Thần môn

Thần môn: Huyệt thần môn nằm ở vùng cổ tay, cạnh rìa bên của gân cơ gấp cổ tay trụ. Dùng ngón tay cái xoa bóp huyệt thần môn 100 vòng, mỗi ngày xoa bóp 2 lần vào buổi sáng và tối. Huyệt thần môn là huyệt của kinh tâm, xoa bóp huyệt này có thể giúp giảm triệu chứng tức ngực, đau tim, phiền muộn, đánh trống ngực, mất ngủ, quên lãng. Hiện nay, nó được sử dụng để điều trị bệnh mạch vành, suy nhược thần kinh, chứng trầm cảm, động kinh, hội chứng mãn kinh.

Thủ tam lý: Huyệt thủ tam lý là huyệt quan trọng của kinh đại tràng, nằm dưới đường gấp khuỷu tay 2 tấc, trên đường nối giữa huyệt dương khê và khúc trì. Dùng tay xoa bóp huyệt này 80-100 vòng, mỗi ngày xoa bóp 2 lần vào buổi sáng và tối. Xoa bóp huyệt này có thể làm nhuận hóa tỳ táo, kích thích khí tỳ, điều hòa tiêu hóa, giúp giảm các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, đồng thời cũng có tác dụng điều trị các chứng đau tay, cứng khuỷu tay, đau răng, sưng má. Thường được sử dụng để điều trị bệnh dạ dày ruột, di chứng sau đột quỵ và viêm quanh khớp vai.

Huyệt Thủ tam lý và huyệt Khúc trì
Huyệt Thủ tam lý và huyệt Khúc trì

Khúc trì: Huyệt khúc trì nằm ở cuối đường gấp khuỷu tay, khi gập khuỷu tay, nằm giữa đường nối giữa huyệt xích trạch và mỏm ngoài của xương cánh tay. Dùng tay xoa bóp huyệt này 80-100 vòng, mỗi ngày xoa bóp 2 lần vào buổi sáng và tối. Xoa bóp huyệt khúc trì có tác dụng điều trị các bệnh do nhiệt, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, liệt tay, cũng có tác dụng trong việc điều trị bệnh mạch vành, ngoại tâm thu, đồng thời giúp tăng lưu lượng máu não, giảm kháng lực mạch máu não.

Ngoài ra, mỗi sáng khi thức dậy và trước khi đi ngủ, có thể thực hiện động tác hàm trên hàm dưới. Ngậm miệng lại, dùng lưỡi chạm vào hàm trên, nhai 100 lần cho đến khi miệng đầy dịch nhờn, sau đó từ từ nuốt xuống. Khi nhai, lượng máu chảy về dạ dày ruột tăng lên, có thể chống lại tác động của khí lạnh mùa thu đối với dạ dày ruột.

BS Uông Mai tổng hợp và lược dịch

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *